Binh lực và ý đồ tác chiến Chiến_dịch_Kavkaz

Quân đội Đức Quốc xã

Diễn biến cuộc tấn công mùa hè năm 1942 của Quân đội Đức Quốc xã tại cánh Nam mặt trận Xô-Đức

Cụm tập đoàn quân A (Đức) do thống chế Wilhelm List và từ ngày 10 tháng 9 năm 1942 do đích thân Adolf Hitler chỉ huy là một trong các cụm tập đoàn quân mạnh của quân đội Đức Quốc xã, biên chế của nó bao gồm một tập đoàn quân xe tăng, hai tập đoàn quân binh chủng hợp thành, một quân đoàn sơn chiến Italia, một quân đoàn kỵ binh Romania. Từ ngày 20 tháng 10 năm 1942, Cụm tập đoàn quân này bổ sung thêm Sư đoàn "F" là đơn vị đặc chủng chuyên tác chiến trên thảo nguyên và sa mạc:

  • Tập đoàn quân xe tăng 1 do tướng Paul Kleist chỉ huy, trong biên chế có:
    • Quân đoàn xe tăng 3 của tướng Eberhard von Mackensen, gồm các sư đoàn xe tăng 13, 19 và sư đoàn cơ giới SS "Wiking".
    • Quân đoàn xe tăng 40 của tướng Leo Freiherr Geyr von Schweppenburg gồm các sư đoàn xe tăng 3, 11, sư đoàn cơ giới 16 và sư đoàn pháo chống tăng tự hành 670.
    • Quân đoàn bộ binh 52 của tướng Albert Zehler gồm các sư đoàn bộ binh 50, 111 và 370
    • Quân đoàn bộ binh sơn chiến 49 của tướng Rudolf Konrad gồm các sư đoàn bộ binh sơn chiến 1, 4 (Đức) và sư đoàn bộ binh sơn chiến 2 (Romania).
  • Tập đoàn quân 17 do tướng Richard Ruoff chỉ huy, trong biên chế có:
    • Quân đoàn bộ binh 5 của tướng Wilhelm Wetzel gồm các sư đoàn bộ binh 9, 35, 73 (Đức), sư đoàn bộ binh 10 và sư đoàn kỵ binh 3 (Romania).
    • Quân đoàn bộ binh 42 của tướng Franz Mattenklott gồm các sư đoàn bộ binh 132, 153, sư đoàn xe tăng 22 và sư đoàn đổ bộ đường không 5.
    • Quân đoàn bộ binh 44 của tướng Maximilian de Angelis gồm các sư đoàn bộ binh 97, 101 và 257.
  • Tập đoàn quân 11 phòng thủ Krym, có Quân đoàn bộ binh 14 của tướng Erik Hansen tham gia chiến dịch, gồm các sư đoàn bộ binh 22, 46, 170 và sư đoàn kỵ binh 5 (Romania).
  • Sư đoàn đặc nhiệm F gồm các lực lượng chuyên tác chiến trên sa mạc do tướng Hellmuth Felmy đề xướng thành lập từ tháng 5 năm 1941 và do tướng Otto Deßloch chỉ huy, tổng quân số khoảng 6.000 người; gồm hai lữ đoàn người Đức, một lữ đoàn người Arab; quân số mỗi lữ đoàn khỏng 1.000 người, một tiểu đoàn xe tăng dùng động cơ làm mát bằng quạt gió gồm 25 chiếc, một phi đội máy bay trinh sát và cường kích chuyên dùng trên sa mạc có 25 máy bay, một tiểu đoàn kỵ binh cưỡi lạc đà, một trung đoàn hỗn hợp pháo xe kéo và pháo mang vác gồm 120 khẩu cỡ nòng từ 105 mm trở xuống, một trung đoàn công binh và một đại đội thông tin. Sau khi được đưa từ Hi Lạp đến Stavropol, sư đoàn này được bổ sung thêm một trung đoàn kỵ binh và tiểu đoàn xe tăng 201.[14]
  • Quân đoàn sơn chiến Alpino thuộc Tập đoàn quân 8 Italia (phối thuộc cho Tập đoàn quân xe tăng 1, được rút đi ngày 25 tháng 11).

Ngày 5 tháng 4 năm 1942, Adolf Hitler ký ban hành Chỉ thị 41 về nhiệm vụ của quân đội Đức Quốc xã trong chiến cục hè-thu năm 1942 trên mặt trận Xô-Đức trong đó đề cập đến việc đánh chiếm Kavkaz của Liên Xô trong bước cuối cùng của chiến dịch. Ngày 23 tháng 7, sau khi chia tách Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) thành Cụm tập đoàn quân A và Cụm tập đoàn quân B, Hitler đã vạch ra những mục tiêu chi tiết của các hành động quân sự tại Kavkaz cho Cụm tập đoàn quân A trong Chỉ thị số 45. Trong chỉ thị này có những mục tiêu cơ bản như sau:

Cụm tập đoàn quân A có nhiệm vụ:
  1. Bao vây, tiêu diệt binh lực quân đội Liên Xô tại nam và đông nam Rostov.
  2. Đánh chiếm toàn bộ bờ phía đông của Biển Đen, làm tê liệt các cảng ở Biển Đen và hạm đội Biển Đen của đối phương.
  3. Lợi dụng những nhóm chống đối Xô Viết ở sườn tây Kavkaz để hỗ trợ cho Tập đoàn quân 11 đánh chiếm bờ Biển Đen.
  4. Sử dụng các đơn vị cơ giới để hình thành một lá chắn thép ở sườn phía đông, đánh chiếm Terrible và cắt đứt con đường giao thông quân sự giữa Ossetia và Gruzia. Sau đó, tiến dọc theo bờ biển Caspi để đánh chiếm Baku.
  5. Những hoạt động của Cụm tập đoàn quân "A" lấy tên mã là "Edelweiss" (Hoa Nhung Tuyết).
— Adolr Hitler - trích Chỉ thị 45, [15]

Tại thời điểm bắt đầu Chiến dịch Kavkaz, quân đội Đức Quốc xã đã hồi phục nhờ các hoạt động tăng viện từ Tây Âu và nước Đức cũng như sự tham gia đầy đủ hơn của các chư hầu Italia, Romania, Hungary và Kroatia. Thực hiện Kế hoạch Blau, họ đã đồng loạt tấn công với binh lực có ưu thế tương đối trên toàn bộ cánh Nam của mặt trận Xô-Đức. Ở thượng lưu và trung lưu sông Đông, quân Đức đã đẩy quân đội Liên Xô sang bờ đông con sông này và vượt sông tấn công Stalingrad. Quân đội Liên Xô liên tiếp thua trận và phải rút lui sau các trận đánh phòng ngự - phản công đẫm máu và chịu nhiều tổn thất lớn. Ở hạ lưu sông Đông, Cụm tập đoàn quân A (Đức) còn có binh lực áp đảo hơn so với Phương diện quân Nam (Liên Xô) đã tiêu hao một phần đáng kể lực lượng của họ trong Trận Rostov (1941) mà vẫn chưa được bổ sung, củng cố về ngưới và vũ khí, khí tài. Những lực lượng dự bị mà quân đội Liên Xô tích lũy một cách chật vật đã được sử dụng hết trong chiến cục mùa đông 1941-1942, đặc biệt là tại Chiến dịch Barvenkovo-Lozovaya. Thế chủ động trên chiến trường từ tháng 5 năm 1942 đã thuộc về Quân đội Đức Quốc xã.[16]

Trên giấy tờ và bản đồ thì mọi việc đều có vẻ như ổn thỏa. Nhưng thực tế, việc tấn công vào Kavkaz đã biến thành một cuộc phiêu lưu quân sự lớn do đích thân Hitler tự mình quyết định, bất chấp sự can ngăn của nhiều tướng lĩnh Đức trong Bộ Tổng tham mưu quan đội Đức và các thống chế chỉ huy chiến trường. Không chịu nổi sự phê phán của họ, ngày 9 tháng 9, Hitler cách chức thống chế Wilhelm von List và đích thân nắm quyền chỉ huy trực tiếp Cụm tập đoàn quân A.[17] Việc đưa một binh lực lớn đến hơn 30 sư đoàn vào một vùng tác chiến xa xôi với hai mặt là biển, phía trước là núi cao và giao thông kém phát triển như ở Kavkaz chứa đựng những hiểm họa bị cắt đứt tuyến tiếp tế qua đường sắt duy nhất từ Rostov qua Grozny đến Makhachlala. Trong khi đó, Cụm tập đoàn quân B (Đức) vẫn chưa thể chế ngự được sự uy hiếp đánh đòn từ phía sau của ba Phương diện quân Liên Xô trên vùng đất hẹp nằm giữa hai khúc cong lớn của sông Đông và Sông Volga. Sự uy hiếp đó nghiêm trọng đến mức ngày 29 tháng 7 năm 1942, Bộ Chỉ huy tối cao quân đột Đức Quốc xã phải điều Tập đoàn quân xe tăng 4 đã chiếm giữ căn cứ bàn đạp quân sự Tsimlianskaya ở bờ nam sông Tsimla và chuẩn bị nhằm hướng Kavkaz phải đổi hướng tấn công về Stalingrad để hỗ trợ cho Tập đoàn quân 6 (Đức).[5] Với việc Tập đoàn quân 6 (Đức) không thể hạ được thành phố Stalingrad mà còn bị bao vây vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 1942, mọi sự chú ý và việc sử dụng binh lực dự bị còn lại của Bộ Chỉ huy tối cao quân đội Đức Quốc đều nhằm vào khu vực giữa sông Volga và sông Đông. Thống chế Erich von Manstein và nhiều nhà nghiên cứu sau này đã chỉ ra rằng, Adolf Hitler đã cố giữ tập đoàn cứ điểm của Friedrich Paulus tại Stalingrad như một chốt chặn sau lưng các cánh quân chủ lực của Liên Xô tại Tây Nam mặt trận Xô Đức để có thời gian rút Cụm tập đoàn quân A do ông ta đích thân chỉ huy từ ngày 10 tháng 9 năm 1942 ra khỏi "cái túi Kavkaz" cũng do chính ông ta đã ra lệnh cho Cụm tập đoàn quân ấy chui vào.[18]

Quân đội Liên Xô

Chính ủy sư đoàn bậc 1 Leonid Brezhnev tại Tập đoàn quân 18, năm 1942

Vì phải liên tục rút lui và chống đỡ các đòn tấn công của quân đội Đức Quốc xã trong mùa hè năm 1942 nên biên chế và phân bố lực lượng của quân đội Liên Xô tại khu vực Bắc Kavkaz không ổn định. Ban đầu, Phương diện quân Bắc Kavkaz được thành lập ngày 19 tháng 5 năm 1942 đóng vai trò của một lực lượng dự bị, hướng phòng thủ chủ yếu là bán đảo Taman đối diện với bán đảo Kerch của lãnh thổ Krym mà quân đội Liên Xô vừa phải rút bỏ và đề phòng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công từ phía Nam Kavkaz. Phía Bắc phương diện quân này là Phương diện quân Nam đang phòng thủ tuyến sông Mius và hạ lưu sông Đông. Hai tuần sau khi quân đội Đức Quốc xã đánh bại Phương diện quân Nam và xâm nhập Kuban, Phương diện quân Nam bị giải thể. Các tập đoàn quân của nó được nhập vào Phương diện quân Ngoại Kavkaz. Ba ngày sau khi Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) đột kích bổ đôi mặt trận của Phương diện quân Bắc Kavkaz và đánh chiếm Salsk, Phương diện quân Bắc Kavkaz bị giải thể. Phương diện quân Ngoại Kavkaz gồm các tập đoàn quân 46, 47 được điều từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ về, chỉ để lại Tập đoàn quân 45 phòng thủ biên giới phía Nam Kavkaz. Trên cơ sở các lực lượng của cả hai phương diện quân Bắc Kavkaz và Ngoại Kavkaz, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô thành lập hai cụm tác chiến Biển Đen và Bắc Kavkaz. Đại tướng Tyulenev, nguyên tư lệnh Phương diện quân Ngoại Kavkaz được bổ nhiệm làm đại diện thường trực của Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô tại cả hai cụm tác chiến này.[11]

Trước ngày 28 tháng 7 năm 1942, quân đội Liên Xô phòng thủ khu vực bắc Kavkaz có Phương diện quân Bắc Kavkaz do Nguyên soái Liên Xô S. M. Budyonny chỉ huy, trong biên chế có:

  • Tập đoàn quân 12 (tái lập trên cơ sở nâng cấp quân đoàn bộ binh 17) do thiếu tướng A. A. Grechko chỉ huy, gồm các sư đoàn bộ binh 174, 270, sư đoàn xe tăng 11, các lữ đoàn bộ binh 107 và 165, trung đoàn pháo chống tăng 29.
  • Tập đoàn quân 18 do thiếu tướng F. V. Kamkov chỉ huy gồm các quân đoàn bộ binh 10 và 16, các sư đoàn bộ binh 176 và 318, lữ đoàn xe tăng 5, hai trung đoàn pháo binh.
  • Tập đoàn quân 37 do thiếu tướng P. M. Kozlov chỉ huy gồm các sư đoàn bộ binh 151, 96, 99, 216, 253 và 295.
  • Tập đoàn quân 56 do thiếu tướng A. I. Ryhzov chỉ huy, gồm các sư đoàn bộ binh các sư đoàn bộ binh 31, 317, 343, 347 và 353, sư đoàn bộ binh sơn chiến 302, các sư đoàn kỵ binh 68 và 70, lữ đoàn xe tăng 6 và tiểu đoàn xe tăng độc lập 81.

Ngày 28 tháng 7, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô chia Phương diện quân Ngoại Kavkaz thành hai Cụm tác chiến phụ trách hai hướng chiến lược Biển Đen và Grozny - Makhachkala. Từ tháng 11 năm 1942, hai cụm tác chiến này được bổ sung thay thế nhiều sư đoàn mới, trong đó có hai Tập đoàn quân 46 và 47 rút từ biên giới Azerbaijan - Thổ Nhĩ Kỳ về. Đến đầu tháng 12 năm 1942, quân đội Liên Xô tại mặt trận Bắc Kavkaz gồm có:

  • Cụm tác chiến Biển Đen do các trung tướng Ya. T. Cherevitsenko và I. E. Petrov lần lượt làm tư lệnh, trong biên chế có:
    • Tập đoàn quân 18 do các thiếu tướng F. V. Kamkov và A. A. Grechko lần lượt chỉ huy, gồm các sư đoàn bộ binh 31, 32, 236, 328, 383, 395, tiểu đoàn hải quân đánh bộ 68 và trung đoàn pháo binh 12.
    • Tập đoàn quân 46 do trung tướng K. N. Leselidze chỉ huy, gồm Quân đoàn bộ binh sơn chiến 3 (có các lữ đoàn bộ binh sơn chiến 9, 20, 242); các sư đoàn bộ binh 61, 351, 394, 406; trung đoàn kỵ binh độc lập 63, các tiểu đoàn trinh sát độc lập 51, 107, 119, 155; các trung đoàn sơn pháo 1, 10 và tiểu đoàn hải quân đánh bộ 51.
    • Tập đoàn quân 47 do các tướng G. P. Kotov, A. A. Grechko và F. V. Kamkov lần lượt chỉ huy, gồm các sư đoàn bộ binh 216 và 318, trung đoàn pháo binh 137, các lữ đoàn bộ binh 81, 83 và 225, các tiểu đoàn hải quân đánh bộ độc lập, trung đoàn bộ binh 672 (của sư đoàn 408).
    • Tập đoàn quân 56 do các tướng A. I. Ryzhov và A. A. Grechko lần lượt chỉ huy gồm các sư đoàn bộ binh 30, 339, 353, trung đoàn hải quân đánh bộ 76 và sư đoàn bộ binh sơn chiến 69.
    • Cụm quân đồn trú tại khu phòng thủ Tuapse gồm Sư đoàn bộ binh 408 (thiếu trung đoàn 672), trung đoàn hải quân đánh bộ 145, các tiểu đoàn hải quân đánh bộ 143, 324 và tiểu đoàn đặc biệt Spetnaz.
    • Lực lượng dự bị của Đại bản doanh lần lượt được điều động tăng viện cho cho Cụm tác chiến Biển Đen trong quá trình chiến dịch gồm sư đoàn bộ binh 77, các trung đoàn bộ binh 11, 16 và 193, tiểu đoàn đổ bộ đường không 151.
    • Lực lượng dự bị chiến dịch của Bộ Tư lệnh Cụm tác chiến Biển Đen gồm các trung đoàn bộ binh 261, 267, 347, 349, tiểu đoàn bộ binh độc lập 134, các tiểu đoàn hải quân đánh bộ 164, 165 và tiểu đoàn trượt tuyết 84.
    • Tập đoàn quân không quân 5 do thượng tướng S. K. Goryunov chỉ huy gồm các sư đoàn tiêm kích 236, 237, 265, sư đoàn cường kích 238, sư đoàn ném bom 312 và 2 trung đoàn ném bom ban đêm.
  • Cụm tác chiến Bắc Kavkaz do trung tướng I. I. Maslenikov làm tư lệnh, trong biên chế có:
    • Tập đoàn quân 9 do trung tướng K. A. Koroteev chỉ huy gồm Quân đoàn bộ binh cận vệ 11 (các sư đoàn bộ binh cận vệ 8, 9, 10 và sư đoàn bộ binh nhẹ 57), các sư đoàn bộ binh 89, 176, 417, các trung đoàn bộ binh 19, 59, 60 và 131, tiểu đoàn bộ binh độc lập 256 và lữ đoàn hải quân đánh bộ 62.
    • Tập đoàn quân 37 do thiếu tướng P. M. Kozlov chỉ huy gồm Sư đoàn bộ binh cận vệ 2, các sư đoàn bộ binh 151, 275, 295, 392, sư đoàn biên phòng 11, trung đoàn biên phòng 113 và lữ đoàn cơ giới 127 (có 30 xe tăng).
    • Tập đoàn quân 44 do các thiếu tướng I. E. Petrov và V. A. Khomenko chỉ huy gồm các sư đoàn bộ binh 223, 317, 337, 389, các trung đoàn bộ binh 9 và 157.
    • Tập đoàn quân 58 do thiếu tướng V. A. Khomenko và trung tướng K. S. Melnik lần lượt chỉ huy gồm các sư đoàn bộ binh 271, 319 và 415, sư đoàn biên phòng Makhachkala và trung đoàn bộ binh 43.
    • Quân đoàn đặc công 8 gồm các trung đoàn đặc công 11, 23, 24, 25, 26, 28, 29 và 30.
    • Lực lượng dự bị chiến dịch thuộc Bộ Tổng tư lệnh tối cao điền động cho Cụm tác chiến Bắc Kavkaz gồm Quân đoàn bộ binh cận vệ 10 (có các sư đoàn bộ binh cận vệ 4, 5, 6 và sư đoàn bộ binh 7), Quân đoàn kỵ binh cận vệ 4 (có các sư đoàn kỵ binh cận vệ 9, 10 và các sư đoàn kỵ binh 30, 110), sư đoàn bộ binh 414, sư đoàn biên phòng 19 và trung đoàn bộ binh độc lập 10.
    • Tập đoàn quân không quân 4 do các tướng F. A. Naumenko và V. A. Vershinin lần lượt chỉ huy, gồm các sư đoàn tiêm kích 216, 217 và 229, sư đoàn cường kích 230, các sư đoàn ném bom 218, 219 và bảy trung đoàn độc lập ném bom ban đêm.
  • Hải quân Liên Xô tham gia chiến dịch gồm:

Do mọi lo ngại của I. V. Stalin và Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô trong mùa hè năm 1942 đều hướng về khu vực đồng bằng trung Nga và Moskva nên binh lực của quân đội Liên Xô bảo vệ hướng Kavkaz rất mỏng. Lực lượng này bao gồm các tập đoàn quân đã bị tiêu hao sau chiến dịch phản công tại Rostov mùa đông 1941-1942, một số lượng đáng kể vũ khí, khí tài đã bị thiệt hại và chưa được bổ sung. Nguy cơ đe dọa từ phía Thổ Nhĩ Kỳ với 26 sư đoàn của họ đã tập trung trên biên giới với Azerbaijan đã buộc Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô phải để lại Tập đoàn quân 45 (sau đó thêm cả Tập đoàn quân 47) để bảo vệ khu vực Nam Kavkaz.[19] Mặc dù quân đội Liên Xô đã rút các tập đoàn quân 44, 46 và 47 từ Iran về nhưng sau khi thua trận ở bán đảo Kerch, Tập đoàn quân 44 đã kiệt quệ đến mức phải rút ra làm lực lượng dự bị chờ bổ sung quân số và được giao trấn giữ cửa ngõ vào Makhachkala, phía sau Tập đoàn quân 9 có thực lực mạnh hơn. Sau trận tấn công vượt sông Tsimla của Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức), Tập đoàn quân 51 đã bị cắt rời khỏi Phương diện quân Bắc Kavkaz và được nhập vào đội hình Phương diện quân Đông Nam để trấn giữa hướng Nam Stalingrad.[11]

Ban đầu, việc bố trí các công trình phòng thủ từ xa cho hướng Bắc Kavkaz đã không được Bộ Tổng tham mưu Liên Xô coi trọng thích đáng.[20] Trong tháng 6, đã có một kế hoạch của Bộ tư lệnh công binh đề nghị thiết lập những tuyến hàng rào dây théo gai nhiều lớp tại các vị trí phòng thủ giữa sông Đông, sông Kuban và sông Terek, ở các khu vực phòng thủ Taman và dọc theo bờ vịnh Azov với tổng chiều dài khoảng 2.000 km. Dự kiến sử dụng khoảng 1.000.000 quả mìn chống tăng và mìn chống kỵ binh, 700 tấn thuốc nổ và 600 tấn dây thép gai. Nhưng kế hoạch này đã không được triển khai sớm.[11] Ngày 23 tháng 6, Bộ Tư lệnh Phương diện quân Ngoại Kavkaz điều Tập đoàn quân 44 mới được bổ sung, trang bị lại ra giữ tuyến sông Terek để củng cố hướng Makhachkala - Baku nhưng lại để cho cả một địa đoạn dài trên triền núi phía Bắc Kavkaz từ Klukhor đến Mestya hầu như không được bảo vệ. Tập đoàn quân 46 buộc phải rải quân trên một chính diện rộng gần 200 km trên các sườn núi. Tại đèo Marukh chỉ có một đại đội bộ binh một trung đội súng cối và một trung đội công binh phòng giữ. Ở đèo Klukhor cũng chỉ có hai đại đội bộ binh và một trung đội công binh phòng ngự. Sau khi Tập đoàn quân xe tăng 1 Đức đột phá đến Stavropol và Budenovsk, tuyến phòng thủ của quân dội Liên Xô tại Bắc Kavkaz đã kéo dài gấp hai lần rưỡi so với trước ngày 25 tháng 7. Tình trạng thiếu trang bị vũ khí rất nghiêm trọng đã làm giảm hiệu quả chiến đấu của các đơn vị Liên Xô. Sư đoàn bộ binh 417 chỉ còn 500 súng trường, tiểu đoàn đổ bộ đường không 151 chỉ có một nửa được trang bị vũ khí, hầu hết là tiểu liên Thomson, lữ đoàn bộ binh sơn chiến 292 chỉ có 30% quân số được trang bị vũ khí và hoàn toàn không có súng máy.[21]

Chỉ đến đầu năm 1943, khi đã có trong tay những lực lượng dự bị mạnh, quân đội Liên Xô mới có thể tăng cường thêm nhiều sinh lực và phương tiện cho hướng Kavkaz nhưng không phải với ý định tấn công vỗ mặt mà sử dụng đòn vu hồi từ Cụm tác chiến Biển Đen để cắt đường giao thông của Cụm tập đoàn quân A (Đức) về Rostov và hạ lưu sông Đông. Tuy nhiên, do sự thiếu phối hợp giữa Cụm Biển Đen và Cụm Bắc Kavkaz, kế hoạch này đã không đạt được kết quả cuối cùng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Kavkaz http://www.rg-rb.de/2005/29/sek.shtml http://militera.lib.ru/db/halder/1942_07.html http://militera.lib.ru/db/halder/1942_08.html http://militera.lib.ru/docs/ww2/chrono/1942/1942-0... http://militera.lib.ru/h/badanin_bv/05.html http://militera.lib.ru/h/badanin_bv/10.html http://militera.lib.ru/h/badanin_bv/11.html http://militera.lib.ru/h/badanin_bv/12.html http://militera.lib.ru/h/badanin_bv/index.html http://militera.lib.ru/h/badanin_bv/pre.html